Công nhân Trung Quốc tại nhà máy xử lý nhựa ở Vũ Hán năm 2010. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc trong nhiều thập niên là nhà nhập khẩu giấy thải, nhựa đã qua sử dụng và kim loại phế liệu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, năm ngoái họ đã ngừng chấp nhận một số loại rác có thể tái chế và thắt chặt tiêu chuẩn đối với tạp chất trong phế liệu, theo Washington Post.
Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc nói rằng nguyên nhân họ thực hiện những thay đổi này là thiệt hại môi trường do chất bẩn và nguy hại lẫn với chất thải rắn có thể được tái chế thành nguyên liệu thô.
Mỹ, Nhật và Đức là những quốc gia xuất khẩu nhiều nhựa đã qua sử dụng nhất thế giới. Chỉ riêng ở Mỹ, khoảng 26,7 triệu tấn được đưa ra khỏi nước này năm 1988 - 2016, phần lớn là đến Trung Quốc. Một số bang ở Mỹ áp đặt quy định cấm chôn rác có thể tái chế.
Nhiều người Mỹ không phải phân loại các loại nhựa, giấy, thủy tinh và kim loại và chính sách này đã gây đau đầu cho nhà xử lý Trung Quốc. Thậm chí sau khi được phân loại, hộp nhựa vẫn có thể bị lẫn vào lô hàng lon thiếc. Mảnh vỡ kính có thể lẫn với mảnh giấy. Tiêu chuẩn công nghiệp về tạp chất thường nằm trong khoảng 1-5%. Nhưng theo chính sách mới, tiêu chuẩn Trung Quốc là 0,5%.
"Họ không chỉ đơn giản là thay đổi chính sách, họ thay đổi toàn bộ thị trường thế giới chỉ với một động thái", Joe Greer, tại Buffalo Recycling Enterprises, công ty chấp nhận rác có thể tái chế từ một số thị trấn nhỏ dọc theo hồ Erie, nói.
Những công ty như Buffalo phải tích trữ vật liệu trong khi tìm kiếm bên mua rác. Một số loại phế liệu đã giảm hoặc không còn giá trị. Nhiều thành phố lớn chấp nhận tổn thất vì lo ngại việc để người dân gánh chi phí sẽ khiến ý thức tái chế rác giảm.
Các thị trấn nhỏ của Mỹ không thể chịu gánh nặng tài chính đó. Để xoay xở, họ đã hạn chế loại rác được chấp nhận hoặc thu phí để trang trải cho chương trình. Các chương trình tái chế ở thị trấn nhỏ vốn tốn kém hơn ở các thành phố lớn vì nhà cửa thường ở xa nhau, khiến việc vận chuyển mất nhiều công sức hơn.
Công ty thu gom rác có thể tái chế ở Westborough, Massachusetts. Ảnh: AP. |
Hannibal ở Missouri kiếm được rất ít tiền từ nhựa chất lượng thấp như vỏ hộp sữa chua hay vỏ lọ dầu gội đầu. Bên chấp nhận mua loại nhựa này thường muốn lấy hàng với số lượng lớn và thị trấn có 18.000 dân như Hannibal khó có thể đáp ứng yêu cầu.
Kể từ khi Trung Quốc thắt chặt chính sách, Hannibal không còn chấp nhận đưa loại nhựa chất lượng thấp vào chương trình tái chế. Trong khi 2 Rivers Industries, bên thu gom rác của Hannibal, từng kiếm được lợi nhuận khoảng 30 USD/ tấn cho các loại nhựa đó thì giờ đây họ phải trả 60-70 USD chỉ để gửi chúng cho bên xử lý.
Melonie Nevels, giám đốc điều hành của 2 Rivers Industries, cho biết họ đã tích trữ 40 tấn nhựa chất lượng thấp. Để tránh chi phí vận chuyển nhựa đến bãi chôn rác, bà đang cố gắng bán chúng cho một công ty sẽ đốt chúng để làm nhiên liệu.
Các thị trấn ở hạt Erie, Pennsylvania, đã phải chấp nhận bỏ mảnh vỡ kính, một số loại nhựa và giấy khỏi danh mục tái chế. Quan chức hạt Brittany Prischak cho biết bà lo ngại những hạn chế mới sẽ khiến việc tái chế ở các thị trấn nhỏ này trở nên khó khăn hơn, bất chấp yêu cầu của bang là cộng đồng có hơn 10.000 cư dân phải có chương trình tái chế.
Quận Columbia ở New York từ hồi mùa hè đã cạn kiệt ngân sách tái chế hàng năm. Từ năm nay, cư dân bị tính phí 50 USD/năm để được phép bỏ rác có thể tái chế tại một trong những trung tâm tái chế của quận.
Jolene Race, giám đốc Cục Chất thải rắn quận Columbia, đánh giá rằng các thành phố lớn hơn sẽ sớm phải đưa ra quyết định tương tự, trừ khi họ có nguồn thu thuế dồi dào. "Các quận nhỏ hơn không thể có điều đó và phải chia gánh nặng cho người dân", Race nhận định.